Tương Tây là châu tự trị của dân tộc Miêu và Thổ Gia, nằm ở phía Tây tỉnh Hồ Nam. Đây là một đơn vị hành chính cấp địa khu của Trung Quốc (thấp hơn cấp tỉnh, lớn hơn cấp huyện), tương đương cấp thành phố của Việt Nam.
Qua lời giới thiệu của bác hướng dẫn viên người Trung, vì những khác biệt về phong tục, các sắc tộc thiểu số ở đây vẫn được hưởng một số quyền tự trị nhất định dù vẫn thuộc nhà nước quản lý. Hơn 20 năm trước, Trung Quốc thực hiện chính sách kế hoạch hoá, mỗi gia đình chỉ được sinh một con nhưng các dân tộc thiểu số vẫn được cho phép có 2-3 con.
Cái tên “Tương Tây” có những ý nghĩa thú vị. “Tương” chính là Tương Giang – tên của một con sông là chi lưu chính của Trường Giang (sông dài nhất Châu Á), chảy qua tỉnh Hồ Nam. Tại Trung Quốc, để biết nơi đăng ký của xe, chúng ta có thể nhìn vào chữ viết hoa đầu tiên trên biển số – chính là tên viết tắt của tỉnh đó. “Tương” cũng chính là ký hiệu viết tắt của tỉnh Hồ Nam.
Nhóm mình đến Đức Hãng Miêu Trại vào một ngày mưa rả rích. Cách huyện Phượng Hoàng khoảng 20 km, đây là một ngôi làng cổ của dân tộc Miêu có niên đại hơn 400 năm. Dù là nơi sinh sống của nhóm dân tộc thiểu số nhưng khu vực Tây Hồ Nam được chính phủ đầu tư hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng quy củ. Dọc đường đi phải có đến hơn chục đường hầm xuyên núi dài cả cây số rất ấn tượng.
Khách du lịch tự túc hay theo đoàn đến Miêu Trại đều phải thuê hướng dẫn viên là người địa phương dẫn đi tham quan, khám phá. Du khách sẽ được lắng nghe về lịch sử của Miêu Trại cùng những nét văn hóa, truyền thống của người Miêu ở Trung Quốc.
Do địa hình núi cao nên nhà của người Miêu được thiết kế đơn giản, chủ yếu bằng gỗ với kết cấu và màu sắc giống nhau. Mái ngói màu xám đen được xếp chồng lên, tạo nên khung cảnh hài hoà nên thơ.
Trước khi bước vào tham quan nhà cổ của người Miêu, du khách sẽ được mời hát đối và uống rượu gạo từ những cô gái Miêu thân thiện và hiếu khách.