“Before Sunrise” – khi thời gian hữu hạn, ký ức là vĩnh cửu
Before Sunrise là phần đầu tiên trong bộ ba “The Before” của đạo diễn Richard Linklater. Đây là một tác phẩm điện ảnh đầy tinh tế, xoay quanh cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa giữa hai người xa lạ trên một chuyến tàu. Dưới lời mới đầy duyên dáng và thú vị của Jesse, Céline đã đồng ý cùng anh xuống tàu, dành một đêm cùng nhau dạo chơi qua những con phố thơ mộng của Vienna. Từng thước phim mang đậm hơi thở chân thực của cuộc sống hoà quyện giữa khung cảnh đầy thơ mộng, cổ kính và dịu dàng của nước Áo.
Chúng ta dễ bắt gặp hình ảnh chính mình trong từng cử chỉ và ánh mắt chân thật đến ngượng ngùng của cặp đôi Jesse – Celine. Đó là khoảnh khắc cả hai ngần ngại né tránh cái nhìn dành cho nhau khi đứng trong phòng nghe thử đĩa nhạc; là khi Jesse định vén mái tóc đang rũ xuống của Celine, rồi lại rụt tay về khi chạm ánh mắt cô. Mọi thứ quá tự nhiên khiến tim ta đập rộn ràng và hồi tưởng lại những kỷ niệm xa xăm nào đó trong quá khứ của chính mình. Diễn xuất của hai nhân vật chính là một điểm sáng nổi bật xuyên suốt bộ phim, xuất hiện cùng âm nhạc tinh tế và khung cảnh nước Áo bình yên làm nền.
Jesse và Celine của những năm đầu tuổi 20 đang rơi vào nhiều suy tư về cuộc sống, tình yêu, nỗi cô đơn, theo đuổi đam mê, cái chết và cả sự luân hồi. Thông qua đối thoại thú vị nhưng không kém phần sâu sắc, ta thấy được những mâu thuẫn giữa hai người và trong chính bản thân họ. Một Jesse thực tế, đôi lúc bi quan và một Celine mơ mộng, lãng mạn (và ngược lại). Celine luôn lo sợ về cái chết, có cảm giác mình là bà lão nằm chờ chết với những hồi tưởng cuối cùng gắn liền với cuộc đời người bà của mình. Trong khi đó, Jesse tiết lộ người cha không muốn anh được sinh ra, anh nhìn thế giới như một nơi đáng ra anh không nên có mặt tại đó. Jesse vẫn nghĩ mình là cậu bé 13 tuổi chưa thực sự biết cách làm người lớn, rằng bản thân đang giả vờ sống để ghi chép lại trước khi bắt đầu một cuộc đời thật.
Người xem cùng lúc sẽ ngậm ngùi đồng cảm và không bao giờ hết ngạc nhiên, thích thú bật cười trước lời thoại của nhân vật. Nhưng trên hết, ta đều cảm nhận được những cảm xúc mãnh liệt của Jesse – Celine, qua cách họ lắng nghe câu chuyện của đối phương bằng tất cả sự trân trọng, ghi nhớ để thấu hiểu và chấp nhận sự khác biệt.
Trải qua những mối tình không tới đâu, ít nhiều Jesse và Celine giữ lại những suy nghĩ thực tế cho riêng mình. Chàng trai người Mỹ và cô gái Pháp một lần nữa quay lại ga tàu để nói lời tạm biệt. Đây là giây phút cao trào nhất trong mạch phim, trong thời gian tích tắc ngắn ngủi khi tàu sắp khởi hành, cả hai bộc lộ những suy nghĩ chân thật nhất của mình dành cho đối phương sau những lo sợ và lý trí lấn át. Với mình, đây là chi tiết rất cảm xúc, nó đặc biệt hơn trong hoàn cảnh bản thân từng trải qua những phút giây tạm biệt người thân tại ga tàu từ lúc bé tới khi trưởng thành, và làm mình liên tưởng đến thời điểm chia xa người mình yêu quý. “Hãy hạnh phúc, chăm chỉ nhé. Chúc anh luôn vui với mọi điều anh làm” – Chúng ta luôn mong người mình yêu quý luôn vui vẻ và hạnh phúc, ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngay cả khi ta không thể gần bên họ.
Bộ phim kết thúc bằng những góc máy ghi lại khung cảnh nơi cả hai đã từng đi qua một cách tự nhiên và đầy lưu luyến. Trước khi xem Trilogy (bộ ba tác phẩm) này, mình chạy đi tìm cái kết để xem nó có Happy Ending không đã rồi mới yên tâm xem. Dù nghe đồn hai phần sau yếu tố lãng mạn nhường chỗ cho thực tế nhiều hơn, nó cũng gieo cho mình một niềm tin về tình yêu vững bền và bao dung. Lời thoại của cặp nhân vật chính gửi gắm nhiều suy tư trăn trở về cuộc sống, dù thuộc thế hệ trước nhưng vẫn có sức nặng tới hiện tại.
Điều đáng buồn là tác phẩm này bắt nguồn từ một sự kiện có thật giữa đạo diễn Linklater và một cô gái tên là Lehrhaupt trong một đêm xa xôi ở Philadelphia (Mỹ). Rất nhiều năm về sau, ông mới biết cô đã mất trong một tai nạn trước khi “Before Sunrise” bấm máy vài tuần sau đó. Một trong những người bạn của Lehrhaupt đã biết về cuộc gặp gỡ và viết một lá thư cho nhà làm phim. Trong một cuộc phỏng vấn với The Times, Linklater đề cập rằng đôi khi ông đã dự tính đến khả năng Lehrhaupt xuất hiện tại một trong những buổi chiếu phim và mong đợi một sự tương tác ngại ngùng kiểu như ” Ồ, xin chào, tôi là Amy. Còn nhớ tôi không?”. Cái kết được mang lên màn ảnh với kết thúc có hậu xoa dịu ta ít nhiều, nhắn nhủ mỗi người hãy trân trọng cách chúng ta kết nối với nhau qua những cuộc gặp gỡ đầy ngẫu nhiên, tuy ngắn ngủi mà quý giá.