BooksZen reads

“Những chuyện lạ ở Tokyo” – Haruki Murakami

Mình quay lại đọc sách

“Những chuyện lạ ở Tokyo” đánh dấu việc quay lại đọc sách sau chuỗi ngày lười bất bại (không dưới ba tháng). Đã rất lâu mình không đọc thêm cuốn nào của bác Haruki Murakami. Cuốn gần nhất cầm trên tay (năm ngoái) là Nhảy Nhảy Nhảy – chỉ đọc vài ba trang rồi gấp gọn trên kệ sách. Tệ hơn nữa là việc đó lặp lại đến ba lần, tức là cứ sau vài tuần mở sách ra cố đọc lại, mình cũng không lê lết nổi sang trang thứ tư 🙁

Đầu tháng 3, mình quay lại đọc sách của bác Haruki, khởi động nhẹ nhàng với “Những chuyện lạ ở Tokyo”. Danh sách năm truyện ngắn, gói gọn trong 200 trang vừa đẹp, được dẫn dắt bằng lối kể tự nhiên, bất ngờ pha lẫn chút chất siêu thực đặc trưng. Từng câu chuyện gợi lên những sắc thái cảm xúc riêng: hài lòng, day dứt, bí ẩn, bối rối và nhẹ nhõm.

Phần truyện nào mình thích nhất?

Cảm giác hài lòng và nhẹ nhõm đến từ hai truyện ngắn đầu và cuối của tác phẩm. Có lẽ vì những nút thắt tâm lý được gỡ bỏ rõ ràng với nhân vật chính, khiến màu sắc chúng có phần tươi sáng hơn (với mình). “Lữ khách tình cờ” thu hút ngay từ câu chữ đầu tiên bằng lối dẫn tự truyện. Tác giả nói về sự ngẫu nhiên, trùng hợp xảy ra trong cuộc sống. Điểm nhìn của nhà văn nhường lại cho nhân vật chính của câu chuyện, một người thợ chỉnh đàn thiện cảm, kín đáo và tinh tế. Sự tình cờ khi anh đọc cùng một cuốn sách với cô gái tại quán Café đã kết nối hai người họ trong những cuộc trò chuyện thú vị, nhẹ nhàng và có phần bối rối. Liên tiếp những trùng hợp lạ kỳ khéo léo thôi thúc anh kết nối lại với người chị gái 10 năm không gặp, giúp cả hai xoá nhoà những mâu thuẫn mà tâm hồn từng đóng chặt trước đây.

“Khỉ Shinagawa” xuất hiện cuối tập truyện kể về người phụ nữ đi tìm lại khả năng ghi nhớ tên của mình. Con khỉ đối đáp trong đoạn hội thoại khá hóm hỉnh dưới ngòi bút duyên dáng của bác Haruki. Tác giả sử dụng hình tượng nguyên thuỷ – một con khỉ có khả năng đồng thời thấu hiểu những cảm xúc sâu thẳm trong tiềm thức của con người và phơi bày trần trụi nó dưới tận cùng ánh sáng. Đây có phải là cách nhà văn muốn nhắn nhủ chúng ta hãy sống thật với những cảm nhận của bản thân, thay vì cố tình phớt lờ và chôn chặt che giấu. Người phụ nữ không chỉ quên tên mình mà còn phớt lờ những tổn thương và trống rỗng trong quá khứ. Cái kết tuy phơi bày những sự thật đau lòng, nhưng chắc chắn mang lại sự nhẹ nhõm cho nhân vật, và cả với người đọc (như mình) :>

Cảm nhận chung

Haruki Murakami, như mọi lần, lặng lẽ xoá nhoà ranh giới giữa cái thật và hư ảo bằng những tia sáng lấp lánh đậm chất siêu thực. Những mất tích bí ẩn, sự chia ly, xa cách không báo trước là đặc trưng quen thuộc trong mỗi tác phẩm của bác. “Những chuyện lạ ở Tokyo” cũng không phải ngoại lệ: một người đàn ông đột ngột mất tích giữa cầu thang tầng 24 và 26 ở tòa chung cư; một người mẹ có con trai bỏ mạng vì cá mập cắn trên vịnh Hanalei; một nhà văn nhung nhớ về hình bóng người tình – người mà anh cho là thứ hai trong ba người phụ nữ quan trọng mà một người đàn ông sẽ gặp trong cuộc đời. Haruki dẫn dắt những sự kiện đột ngột và có phần tàn khốc bằng trạng thái quân bình, phản ánh sự thật đó vẫn diễn ra đúng bản chất, rằng ta phải chấp nhận nó vẹn nguyên và tuyệt đối.

Link mua sách xem ngay tại đây

What's your reaction?

Excited
0
Happy
0
Not Sure
0
Silly
0

Comments are closed.

0 %