Phượng Hoàng Cổ Trấn – vẻ đẹp thiên niên kỷ
Phượng Hoàng cổ trấn có tuổi đời hơn 1.300 năm, được xây dựng từ những năm 686, triều đai nhà Đường. Thuộc địa bàn huyện Phượng Hoàng, tỉnh Hồ Nam, nơi đây là một trấn nhỏ nép mình bên dòng chảy yên ả của sông Đà Giang. Trấn cổ còn được bao quanh bởi màu xanh của núi non, cùng những cây cầu với lối kiến trúc đặc sắc tạo thành một bức tranh phong cảnh rất trữ tình, nên thơ.
Mình tới Phượng Hoàng vào ngày đổ mưa nhỏ. Bác hướng dẫn viên người Trung nói đùa rằng dự báo thời tiết bên này cứ nghe rồi hiểu ngược lại. Trời báo mưa thì sẽ nắng, may là đúng thế thật :)) Dù có chút mưa rả rích đầu ngày, trời đã kịp hửng nắng để đón đoàn mình xuống xe. Khung cảnh Phượng Hoàng hiện lên đầy thơ mộng và êm đềm ẩn trong làn sương mù bao phủ sau cơn mưa.
Phượng Hoàng phát triển vào thời kỳ trị vì của nhà Minh (1368-1644). Những cây cầu cổ kính nối hai bờ Đà Giang được dựng lên, giúp cuộc sống sinh hoạt người dân thuận tiện hơn. Với kiến trúc truyền thống độc đáo, cầu kỳ, những cây cầu không chỉ để phục vụ giao thương mà còn để lại dấu ấn riêng biệt cho nơi này.
Một trong những cây cầu nổi tiếng là Hồng Kiều – cầu phong thuỷ được xây vào đầu nhà Minh. Sau khi gián đoạn nhiều năm, đến thời Khang Hy, nhà Thanh mới xây lại và chính thức hoàn thành cây cầu (1670).
Tương truyền rằng có một con rồng ở Phượng Hoàng Cổ Trấn – người dân quan niệm nơi đây sẽ xuất hiện Hoàng đế trong tương lai. Lo sợ điều này, Chu Nguyên Chương – Hoàng đế khai quốc của nhà Minh đã hỏi quân sư của ông là Lưu Bá Ôn. Công thần bày mưu kế cho nhà vua bằng việc xây cầu bắt ngang qua Đà Giang nhằm trấn con rồng, ngăn cổ trấn xuất hiện hoàng đế.
Ngoài những cây cầu mang nhiều dấu ấn riêng biệt thì kiến trúc nhà của Phượng Hoàng trấn khiến người ta tò mò không kém. Điếu Cước Lâu là loại một kiến trúc truyền thống, tương tự nhà sàn Việt Nam, phổ biến trong các dân tộc thiểu số như Miêu, Choang, Thổ Gia… ở lưu vực phía Nam sông Trường Giang, Tây Nam Trung Quốc. Nếu thiết kế nhà sàn là toàn bộ ngôi nhà được dựng trên các cột gỗ, Điếu Cước Lâu chỉ có một nửa sàn hoặc các phần biên mở rộng của sàn nhà được dựng trên các dãy cột chống vào sườn núi hay xuống mặt nước.
Nếu ban ngày, cổ trấn nằm gọn trong một vẻ đẹp rất cổ xưa, nên thơ và hữu tình bởi màu nước xanh trong thì cảnh sắc lại chuyển mình về đêm, mang đậm phong vị huyền ảo nhưng cũng khá hiện đại. Tiếng nhạc xập xình từ một quán bar gần Cầu Tuyết khiến không gian trở nên đặc biệt. Ánh đèn lung linh đổ ra từ những căn nhà nhỏ ven sông, hắt bóng xuống mặt nước ánh vàng lấp lánh. Đoàn người theo đuôi nhau cẩn thận bước qua từng bậc của Cầu Đá Nhảy nối đôi bờ. Đứng giữa sông có thể ngắm nhìn cổ trấn hơn nghìn năm tuổi khoác lên một vẻ đẹp cổ kính trầm mặc, đắm mình vào giọng hát du dương cao vút của cô gái với bộ váy đỏ rực đang biểu diễn trên thuyền. Phải nói rằng cảm xúc khi đó thực sự được thăng hoa giữa non nước nhạc hoạ làm mê hoặc lòng người.