Nếu có cơ hội ghé thăm tỉnh Hồ Nam, đến với Trương Gia Giới, show diễn Thiên Cổ Tình là một lựa chọn du khách không nên bỏ qua. Đây thực sự là bữa tiệc thăng hoa của nghệ thuật thị giác với những kỹ xảo vô cùng ấn tượng, cùng các màn trình diễn đầy cảm xúc của dàn diễn viên dưới bàn tay tài hoa của vị đạo diễn Trương Nghệ Mưu.

Giữa cảnh sắc non nước tráng lệ và hùng vĩ, những thiên tình truyện hiện lên vô cùng bi tráng hứa hẹn sẽ để lại ấn tượng sâu sắc và choáng ngợp cho người xem. 

Tác phẩm nghệ thuật này sẽ được truyền tải trọn vẹn hơn nếu chúng ta dành chút thời gian tìm hiểu về văn hoá và những câu chuyện lịch sử đằng sau nó. Chương trình kéo dài khoảng một tiếng, được chia thành bốn phần chính:

Khúc dạo đầu: Nốt thăng trầm của thời gian

Khoảng 400 triệu năm trước, sức mạnh vĩ đại của thiên nhiên đã tạo nên cảnh quan kỳ diệu của Trương Gia Giới. Những người đầu tiên sống và phát triển thịnh vượng ở đây, tạo ra nền văn minh Đại Dung (Dayong) lộng lẫy. Đại Dung là cách gọi cũ của Trương Gia Giới ngày nay.

Cảnh I: Vẻ đẹp của tạo hoá

Phong cảnh đẹp tựa chốn thần tiên từ núi non, sông nước hữu tình đến những thung lũng nên thơ và cánh rừng nguyên sinh hoang dã khiến Trương Gia Giới trở thành nơi giao hoà giữa thiên đường và thực tại.

cảnh sắc thiên nhiên Trương Gia Giới

Cảnh II: Truyền thuyết về Thiên Tử Sơn (Tianzi)

Cuối triều đại nhà Nguyên và đầu nhà Minh, triều đình chuyên chế, dân chúng sống trong cảnh khốn cùng. Thổ vương cai quản phía Tây Hồ Nam thường xuyên ra lệnh tay sai bắt cóc và cưỡng ép những cô gái mới lấy chồng phải dành đêm tân hôn đầu tiên cho hắn.
Năm 1353, thủ lĩnh của tộc Thổ Gia (Tujia), Xiang Dakun, đại diện cho lợi ích các nhóm dân tộc, đã tập hợp dân chúng, bắt đầu cách mạng chống lại thổ vương. Ông thành lập pháo đài lấy núi Qingyan làm trục, xưng hiệu là “Tianzi” – nghĩa là con trời.

lịch sử Thiên Tử Sơn, Trương Gia Giới, Trung Quốc


Năm 1385, Chu Nguyên Chương – hoàng đế đời đầu tiên của nhà Minh đã dẫn mười ngàn binh lính đến núi đánh bại Xiang Dakun. Sau hơn 40 ngày chiến đấu anh dũng, ông tử trận và rơi xuống vực. Truyền thuyết kể rằng khi các tướng lĩnh và binh lính nhìn thấy vị tướng của mình rơi xuống vực sâu, họ đều nhảy theo. Tất cả đều biến thành những cây cột lớn nhỏ, cao thấp. Người dân trong vùng thương tiếc một đế vương tài ba, đã đổi tên núi “Qingyan” thành “Tianzi” để tưởng nhớ ông.
Triều đại nhà Thanh đã sử dụng nhiều biện pháp đàn áp để buộc xóa bỏ từ “Tianzi”, nhưng người Thổ Gia vẫn luôn gọi những ngọn núi là “Tianzi”.

Cảnh III: Quá khứ của một thị trấn nhỏ

Phía tây Hồ Nam, hay còn gọi là Tương Tây là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số bao gồm Thổ Gia, Miêu, Dao… Đây cũng là quê hương và nguồn cảm hứng sáng tác của một trong những nhà văn vĩ đại của văn học Trung Quốc – Thẩm Tòng Văn. Vẻ đẹp lãng mạn, hữu tình của cảnh sắc non nước Tương Tây góp phần tô đậm chuyện tình bi thương của Thuý Thuý trong tiểu thuyết Biên Thành.

Thuý Thuý là một cô gái xinh đẹp, khả ái, sống cùng ông ngoại cạnh bến đò. Cô được cậu cả Thiên Bảo, con trai gia đình chủ bến đem lòng thương yêu. Nhưng cô bé chẳng hề để ý vì trái tim cô đã thầm lặng hướng theo cậu hai Na Tống, dù chàng trai đã được gia đình sắp xếp hôn sự.
Tấm thảm kịch xảy ra khi cậu cả Thiên Bảo chết đuối trong một chuyến đi thuyền. Thuý Thuý và Na Tống thực lòng yêu thương nhau, nhưng bị phản đối kịch liệt vì ông quản bến cho rằng cô là kẻ mang vận đen cho gia đình. Bất lực vì chẳng tìm được đáp án cho số phận tình yêu của mình, Na Tống ra đi không lời hẹn ước. Ông ngoại Thuý Thuý vì quá lo lắng, buồn đau đã qua đời trong một đêm mưa gió. Chỉ còn lại Thuý Thuý thơ thẩn nơi bến đò đơn côi, vò võ đợi chờ tình yêu vô vọng giữa đại ngàn sông núi.

Trương Nghệ Mưu đưa Thúy Thúy của Biên Thành lên sân khấu. Mặt sàn sân khấu bỗng chuyển thành mặt hồ nước trong vắt.

Trương Nghệ Mưu đưa Thuý Thuý trong tác phẩm Biên Thành của nhà văn Thẩm Tòng Văn xuất hiện


Chiếc kiệu hoa bay trên không trung khiến khán giả trầm trồ. Tự tay Thuý Thuý trùm voan đỏ, nhưng cô không thể với tới kiệu hoa. Ước mơ về hạnh phúc viên mãn trải dài theo những năm tháng đằng đẵng cô chờ đợi người yêu quay trở về.

Thuý Thuý của tiểu thuyết Biên Thành bởi tác giả Thẩm Tòng Văn

Cảnh IV: Dưới bóng cây Masang

Trương Gia Giới là cái nôi của Quân đoàn thứ hai của Hồng quân Trung Quốc, đồng thời là quê hương của Nguyên soái Hạ Long (He Long). Hơn 40.000 người Trương Gia Giới đã hy sinh mạng sống cho sự thành công của cuộc cách mạng Đảng Cộng sản Trung Quốc và kháng chiến chống Nhật. Nhiều cô gái chờ đợi người yêu của mình năm này qua năm khác suốt cuộc đời dưới cây Masang.

thiên cổ tình phân đoạn dưới bóng cây Masang
Kết thúc: Lãng mạn ở Tương Tây

Với vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ, Tương Tây là minh chứng về vùng đất của tình yêu. Bản anh hùng ca giữa thiên nhiên tráng lệ tiếp tục được truyền tụng. 

show diễn Thiên Cổ Tình kết thúc


Địa chỉ: Công viên lãng mạn Trương Gia Giới, quận Vũ Lăng Nguyên, tỉnh Hồ Nam.
Gía vé: 280-350 tệ. Bạn có thể chọn hàng ghế khu vực giữa của khán đài, nếu ngồi sát sân khấu sẽ khó quay được toàn bộ chương trình
.
Mời bạn xem video giới thiệu ngắn về chương trình tại đây 

What's your reaction?

Excited
18
Happy
6
Not Sure
2
Silly
4

Comments are closed.

You may also like