Cách thành phố Cao Bằng khoảng 52km về phía Bắc, suối Lê Nin thuộc khu di tích Pác Bó, thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đường bằng phẳng, không có nhiều góc cua nên mình chọn đi xe máy để tiện ngắm núi rừng Đông Bắc. Trước kia, dân địa phương gọi suối là Khuổi Giàng, (theo Tiếng Tày, nghĩa là suối trời).

Dọc đường ra bờ suối, nhìn ra xa về phía Tây là ngọn núi với vách đá trắng, là nơi đặt cột mốc biên giới Việt-Trung mang số hiệu 108. Tại nơi này, trưa ngày 28/1/1941 (mùng 2 Tết Tân Tỵ), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đặt bước chân đầu tiên trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước. Đi cùng Bác là năm đồng chí cán bộ thân cận: Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Đào Thế An, Hoàng Văn Lộc và Đặng Văn Cáp.

Ban đầu, Bác chọn phương án về nước bằng đường Côn Minh-Lào Cai. Nhưng cuối tháng 6/1940, quân Nhật ném bom khiến giao thông nơi này tắc nghẽn. Nhận định phong trào cách mạng của quần chúng khu vực này chưa cao, Bác đề nghị cán bộ tìm hướng khác. Đầu tháng 1/1941, đồng chí Hoàng Văn Thụ sang Trung Quốc gặp gỡ và đề xuất với Bác, chọn Cao Bằng là căn cứ địa cách mạng của cả nước. Với trình độ giác ngộ của nhân dân dọc biên giới tương đối cao và đội ngũ cán bộ khá vững vàng, Bác nhận định Cao Bằng là nơi phù hợp để trực tiếp lãnh đạo và lan toả phong trào cách mạng Việt Nam.

Thời gian đầu sau khi về nước, Bác cùng các đồng chí ở tại nhà ông Lý Quốc Súng, người dân tộc Nùng. Một hôm Bác gọi đồng chí Lê Quảng Ba nói nhỏ rằng, nhà đồng bào đã nghèo lại chật chội mà ta đông người, phải ra rừng thôi.

Ông Súng đã chỉ dẫn cho cán bộ lối ra hang kín nằm sâu trong vách đá vôi. Hang Cốc Bó (Tiếng Nùng, nghĩa là đầu nguồn) là nơi bí mật mà ông thường cất giấu đồ và lẩn tránh lính dõng và thổ phỉ. Hang có vị trí thuận lợi, được che chắn kín bởi cây cối. Nếu men theo đường mòn ngay phía sau hang, ngược lên trên núi khoảng một cây số đã đến địa phận Trung Quốc. Bác cùng các đồng chí cách mạng có thể rút sang bên kia biên giới thuận lợi nếu có động.

Hang khá nhỏ hẹp, các cán bộ phải mượn của ông Súng vài miếng ván để đóng thành tấm phản nhỏ cho Bác nằm, lấy lá cây để lót. Tiết trời sang xuân tại vùng biên giới vẫn còn rét buốt, trong không gian chật hẹp, gồ ghề sỏi đá, Bác và các đồng chí phải đốt lửa suốt đêm để đọc và biên dịch các văn bản quan trọng về đấu tranh vũ trang để làm tài liệu huấn luyện.

Sau những giờ làm việc, Bác thường ngồi dưới cây si câu cá để nghỉ ngơi và cải thiện bữa ăn đạm bạc. Trải qua biết bao thăng trầm của thời gian, cây si lớn nay không còn, chỉ có một nhánh con từ cây si cũ năm 1941.

Bạn có thể ngắm nhìn màu suối xanh ngọc phản chiếu lại màu của cây rừng với những sắc thái khác nhau làm say đắm lòng người. Nước suối trong vắt, thấy cả những viên sỏi lấp lánh dưới đáy và từng đàn cá bơi lội tung tăng. Tiếng côn trùng văng vẳng từ xa hoà cùng tiếng suối trong vắt đầu nguồn làm sống động cả một vùng non nước. Dọc trên con đường lát đá, những đàn bướm đủ sắc màu từ cam, xanh biếc, đen,… dẫn lối bay quanh những bước chân của du khách khiến cảnh sắc càng trở nên thơ mộng.

Trước đây, dọc bờ suối, cây cối mọc um tùm che chắn hết tầm nhìn. Đặc biệt trong rừng thường có cây lá han, gây ngứa cực mạnh. Tuy nhiên, Người không cho phép các đồng chí cắt một nhành cây hay ngọn cỏ nào để tránh sự chú ý của quân địch. Bác đi theo cách của riêng mình, dùng gậy gạt cây sang hai bên để lấy lối đi lại. Khi Bác đi qua, cây ngả về vị trí ban đầu.

Một lần, có hai đồng chí đi làm liên lạc cho đoàn thể bị địch bắt dọc đường. Tuy thoát được nhưng bị giữ thẻ thuế thân, có ghi trú quán tại làng Pác Bó. Nghi ngờ nơi này có cộng sản, giặc đã cho quân lục soát nhưng may mắn là đồng bào đã kịp thời báo cho cán bộ cách mạng.

Cuối tháng 3/1941, Bác và các cán bộ chuyển đến lán Lán Khuổi Nặm, nằm cách hang Cốc Bó khoảng 1 km để hoạt động bí mật, an toàn hơn. Đây là nơi Bác ở lâu nhất, chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử ý nghĩa với vận mệnh của đất nước, đặc biệt là Hội nghị Trung ương lần thứ 8. Căn lán được dựng theo kiểu nhà sàn, nhìn từ ngoài vào không phát hiện, nhưng ở bên trong quan sát ra thì rất rõ.

Muốn đến lán Khuổi Nậm, du khách phải đi qua 2 di tích là hang Slí Điếng và hang Diêm Tiêu. Hang Slí Điếng được sử dụng làm hòm thư liên lạc bí mật. Các công văn, chỉ thị, thư từ … được để ở một vị trí quy định trong hang. Theo thời gian quy định trước đó, sẽ có người đến lấy hoặc gửi tài liệu. Gần đó khoảng 100m là hang Diêm Tiêu – nơi Bác chọn để cất giấu tài liệu bí mật trong suốt thời gian hoạt động ở đây.

Đến với khu di tích Pác Bó – suối nguồn của cách mạng, chúng ta không khỏi sững sờ trước vẻ đẹp tuyệt bích của dòng suối Lê Nin – nơi bao bọc, nuôi dưỡng tư tưởng, tinh thần cách mạng kiên cường, bất khuất và lòng yêu nước của dân tộc. Một vẻ đẹp mang hình hài của lịch sử cách mạng với vô vàn gian truân, khó nhọc nhưng rất đỗi huy hoàng và đầy tự hào của thời đại.

What's your reaction?

Excited
1
Happy
0
Not Sure
0
Silly
0

2 Comments

  1. Cảm ơn bạn đã cung cấp một góc nhìn lịch sử rất bổ ích ❤️

Comments are closed.